Những khoảnh khắc sắc màu cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam một cách chân thực, gần gũi và đầy sức sống.
Mỗi bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích là một câu chuyện cá nhân nhưng toát lên góc nhìn về con người, về cuộc sống của Việt Nam. Ẩn sâu trong mỗi bức ảnh là vẻ đẹp lao động cùng phẩm chất chịu thương chịu khó của phụ nữ khắp các tỉnh thành trên đất nước hình chữ S: bình dị, gần gũi mà tràn đầy năng lượng, căng tràn sức sống.
Các bức ảnh đã được giới thiệu tới công chúng qua triển lãm ảnh “Sắc màu cuộc sống” khai mạc vào chiều 20/8 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Một số bức ảnh sẽ được giới thiệu trong triển lãm:
Làng nghề đúc gang Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã có hơn nửa thế kỷ. Môi trường làm việc luôn nóng, bụi nhưng người phụ nữ thực hiện hầu hếtcác khâu trong qui trình tạo ra sản phẩm. Nghề này đem đến sức sống mớicho vùng quê, là điểm sáng về phát triển kinh tế làng nghề.
Môi trường làm việc trong xưởng đúc gang ở Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) rất bụi bẩn, nóng, đặc biệt những ngày hè nhiệt độ lên tới 40°C.
Hơn 50 năm nay, nghệ nhân gốm Bàu Trúc Đàng Thị Phan (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) vẫn theo nghề truyền thống. Năm 2006, bà sang Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản… thi tay nghề và đoạt giải nhất. Bà khiến Ban giám khảo và du khách phục tài vì gốm được làm bằng tay và hoa văn tạo từ mẩu lược gãy.
Nghề gốm ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội ) đã xuất hiện trên 1000 năm và từng có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIII-XIV. Hiện nay gốm vẫn được nung trong lò than truyền thống. Than bùn – nguyên liệu để nung gốm – được người dân tận dụng các mảng tường trống để phơi.
Phụ nữ ở làng nghề điêu khắc Bảo Hà (Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) nổi tiếng với nghề làm trống. Các sản phẩm như trống chèo, trống trường, trống trung thu đều làm từ gỗ mít. Trước đây nghề này chỉ do nam giới thực hiện. Hiện nay công việc này phụ nữ cũng tham gia.
Chị Ngần, 32 tuổi, đang làm thợ nhúng hương tại làng Cao Thôn (xã Bảo Khê, Hưng Yên). Hàng ngày chị đi làm từ 4 giờ sáng và phải che mặt, chỉ chừa đôi mắt, đội mũ vì nơi làm rất bụi như trong một lớp sương màu vàng mỏng, nóng, nhưng không thể bật quạt. Thu nhập của chị khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Làng nghề dệt mành tre Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang) có lịch sử hơn 300 năm. Với bí quyết truyền thống cùng công nghệ hiện đại đã tạo ra sản phẩm có màu sắc phong phú, không bị mối mọt. Sản phẩm xuất khẩu được bạn hàng ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Nga, EU, Mỹ.
Làng Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định) là nơi duy nhất ở miền Bắc còn sản xuất khăn xếp. Trước đây, khăn xếp, áo the được mặc trong các dịp lễ hội, tiệc làng của người Việt. Gia đình anh Bùi Văn Lĩnh và chị Vũ Thị Nghinh một ngày làm được 70-80 khăn xếp.
Người dân ở biển Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) thu lượm sứa trôi vào bờ.
Phụ nữ xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) vá lưới chuẩn bị cho ngư dân ra khơi.
Một cảnh trong vở chèo ” Súy Vân giả dại” của Nghệ sỹ ưu tú Thúy Ngần.
Quý Đoàn
(Ảnh: Lê Bích)
Nguồn: Dân Trí